10/4/16

TP.HCM phải chi 500.000 tỷ chống ngập vì tội bất động sản?



Bên cạnh biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh, mất kiểm soát của TP.HCM cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ngập nước nghiêm trọng.

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo khoa học "Các giải pháp giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng" do Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM và Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) phối hợp tổ chức ngày 8/4.


TTXVN dẫn lời ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, việc san lấp kênh, rạch (kể cả làm cống hộp để thay thế) và san lấp các khu vực trũng, thấp chứa nước tự nhiên (ao, đầm…) để xây dựng các công trình, dự án phát triển đô thị đã làm mất đi các khu vực có chức năng điều tiết nước tạm thời khi có mưa lớn và nước triều dâng cao khiến tình trạng ngập nước ở thành phố trở nên trầm trọng hơn.

Các chuyên gia cho rằng, để cứu vãn tình hình ngập nước ở TP.HCM, cần kiên quyết trả lại chức năng thoát nước cho hệ thống kênh rạch; phải khơi thông hệ thống kênh, rạch, vừa để phục vụ giao thông thủy, vừa để thoát nước.

Đối với những công trình đã xây dựng có thể giải quyết ngập bằng cách gom nước về một chỗ, sử dụng bơm chuyền, làm hầm chứa nước, sử dụng công nghệ “móc lõm” tại các khu dân cư, đồng thời chú ý phát triển các công trình trữ nước bằng cách giảm bêtông hóa, tăng diện tích và năng lực thấm nước của đất tại các khu vực công cộng và ngay tại nhà dân...

Từng trao đổi về vấn đề này trên Đất Việt, ông Phạm Anh Dũng - Trưởng khoa Kỹ thuật đô thị - Đại học Kiến Trúc TPHCM cũng cho rằng: "Triều cường không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngập ngày càng nặng nề tại TPHCM. Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất đó là do lòng sông, lòng rạch hiện nay xung quanh khu vực thành phố đã bị lấn và lấp quá nhiều.

Chính vì thế, khi mưa lượng nước lớn, nhưng không có chỗ thoát nước, dẫn đến ngập. Tiếp theo, là chúng ta bỏ quá nhiều kênh rạch thoát nước mạch, dòng nước ngấm qua lòng đất không có điều kiện thoát ra ngoài, nên thành ra ứ nước, không có chỗ rút.

Bên cạnh đó, chưa có cốt khống chế để thoát nước, trong khi nó là yếu tố khá quan trọng. Rất cần một cốt chuẩn của thành phố, sau đó, các dự án, công trình, phải san lấp xây dựng theo cốt chuẩn, tránh việc chủ đầu tư san lấp vô tội vạ như hiện nay".

Trong khi đó, trên Pháp luật TP.HCM, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định, lâu nay mỗi khi xảy ra ngập, các cơ quan có trách nhiệm thường đổ do trời mưa to! Thực ra đó là hậu quả của công tác quy hoạch, phát triển đô thị sai lầm mà chúng ta đang thực hiện.

Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng ở TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ... "phổ biến nhất là hiện tượng bê tông hóa tràn lan làm diện tích mặt đất tự nhiên (để nước thấm) bị thu hẹp. Trên bề mặt bê tông, nước sẽ chảy nhanh hơn và đổ dồn về các khu vực trũng, thấp. Trong khi đó, cống thoát không kịp cải tạo để đáp ứng; kênh rạch bị lấn chiếm, san lấp khiến nước thoát ra cửa sông chậm… Cứ như vậy, nếu mưa to mà không ngập thì mới được xem là chuyện lạ!".

Trong một diễn biến có liên quan, TP HCM đã xây dựng hai nhóm giải pháp phi công trình và công trình để chống ngập nước, ứng phó biến đối khí hậu và nước biển dâng với tổng vốn đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét